BÍCH THẢO THANH TRA TUYỂN DỤNG, SỬ DỤNG CÔNG CHỨC – TỪ THỰC TIỄN THANH TRA CỦA BỘ NỘI VỤ LUẬN VĂN THẠC SĨ LUẬT HIẾN PHÁP VÀ LUẬT HÀNH CHÍNH Mã số: 8 38 01 02 NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC: TS. NGUYỄN QUỐC VĂN HÀ NỘI – 2020 LỜI CAM ĐOAN Tác giả xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của bản thân tác giả. Các kết quả nghiên cứu và kết luận trong luận văn là trung thực, không sao chép từ bất kỳ nguồn nào hoặc hình thức nào. Việc tham khảo các nguồn tài liệu (nếu có) đã được thực hiện trích dẫn và ghi nguồn tài liệu tham khảo đúng quy định. Tác giả Nông Bích Thảo LỜI CẢM ƠN Đề tài “Thanh tra tuyển dụng, sử dụng công chức - từ thực tiễn thanh tra của Bộ Nội vụ“ được hoàn thành tại Học viện Hành chính Quốc Gia. Trong suốt quá trình nghiên cứu, ngoài sự phấn đấu nỗ lực của bản thân, tác giả đã nhận được sự chỉ bảo, giúp đỡ tận tình của các thầy giáo, cô giáo, bạn bè và đồng nghiệp. Tác giả xin chân thành cảm ơn TS. Nguyễn Quốc Văn, người trực tiếp hướng dẫn tác giả hoàn thành luận văn này. Tác giả xin chân thành cảm ơn giáo viên chủ nhiệm Nguyễn Thị Ngân cùng toàn thể các thầy, cô giáo và cán bộ Học viện Hành chính Quốc Gia đã giảng dạy và giúp đỡ để tôi có thể hoàn thành khóa học và luận văn. Tác giả xin chân thành cảm ơn các đồng chí, lãnh đạo Thanh tra Bộ Nội vụ đã tạo điều kiện và giúp đỡ tác giả trong quá trình thu thập thông tin và số liệu để thực hiện luận văn này. Mặc dù đã cố gắng để hoàn thiện luận văn, tuy nhiên do kinh nghiệm nghiên cứu chưa nhiều, thời gian nghiên cứu ngắn, luận văn không thể tránh khỏi những thiếu sót và hạn chế. Tác giả rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến quý báu của Quý thầy cô và các bạn để bản thân được hoàn thiện hơn. Xin trân trọng cảm ơn! Hà Nội, ngày tháng Tác giả Nông Bích Thảo năm 2020 DANH MỤC TỪ VIẾT TẮT Nội dung viết tắt Cách viết tắt Phản biện xã hội PBXH Tuyển dụng, sử dụng công chức TDSDCC Ủy ban nhân dân UBND Văn bản quy phạm pháp luật VBQPPL MỤC LỤC MỞ ĐẦU. 1 Chương 1. NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ THANH TRA TUYỂN DỤNG, SỬ DỤNG CÔNG CHỨC.8 1.1. Khái niệm, vai trò và đặc điểm của hoạt động thanh tra việc tuyển dụng, sử dụng công chức. 8 1.1.1. Khái niệm thanh tra tuyển dụng, sử dụng công chức 8 1.1.2. Đặc điểm thanh tra trong lĩnh vực tuyển dụng, sử dụng công chức12 1.1.3. Vai trò của hoạt động thanh tra tuyển dụng, sử dụng công chức.16 1.2. Nội dung, nguyên tắc và quy trình tiến hành hoạt động thanh tra tuyển dụng, sử dụng công chức. 19 1.2.1. Nội dung thanh tra tuyển dụng, sử dụng công chức19 1.2.2. Nguyên tắc thanh tra tuyển dụng, sử dụng công chức.21 1.3. Các yếu tố tác động đến hoạt động thanh tra tuyển dụng, sử dụng công chức. 26 1.3.1. Yếu tố khách quan. 26 1.3.2. Yếu tố chủ quan.31 Tiểu kết Chương 1. 34 Chương 2. THỰC TRẠNG THANH TRA TUYỂN DỤNG, SỬ DỤNG CÔNG CHỨC CỦA THANH TRA BỘ NỘI VỤ. 35 2.1. Khái quát chung về thanh tra Bộ Nội vụ 35 2.2. Thực tiễn nội dung và quy trình tiến hành hoạt động thanh tra tuyển dụng, sử dụng công chức của Thanh tra Bộ Nội vụ 36 2.2.1. Nội dung thanh tra tuyển dụng, sử dụng công chức của Thanh tra Bộ Nội vụ 36 2.2.2. Quy trình tiến hành41 2.3. Đánh giá kết quả hoạt động thanh tra tuyển dụng, sử dụng công chức của Thanh tra Bộ Nội vụ 49 2.3.1. Những mặt đạt được và nguyên nhân49 2.3.2. Những hạn chế và nguyên nhân 56 Tiểu kết Chương 2. 61 Chương 3. QUAN ĐIỂM VÀ GIẢI PHÁP BẢO ĐẢM HOẠT ĐỘNG CÔNG TÁC THANH TRA TUYỂN DỤNG, SỬ DỤNG CÔNG CHỨC. 62 3.1. Quan điểm về công tác thanh tra tuyển dụng, sử dụng công chức. 62 3.1.1. Quan điểm chỉ đạo về thanh tra tuyển dụng, sử dụng công chức62 3.1.2. Quan điểm của tác giả về công tác tuyển dụng, sử dụng công chức và hoạt động thanh tra trong lĩnh vực tuyển dụng, sử dụng công chức. 63 3.2. Giải pháp bảo đảm hoạt động công tác thanh tra tuyển dụng, sử dụng công chức. 68 3.2.1. Giải pháp chung bảo đảm hoạt động công tác thanh tra tuyển dụng, sử dụng công chức68 3.2.2. Giải pháp đối với Bộ Nội vụ. 74 Tiểu kết Chương 3. 81 KẾT LUẬN. 82 DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 83 MỞ ĐẦU 1. Tính cấp thiết của việc nghiên cứu đề tài luận văn Trong hoạt động của Nhà nước, đội ngũ công chức là lực lượng nòng cốt, đóng vai trò hết sức quan trọng trong công tác xây dựng và thực thi chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Việc xây dựng một đội ngũ công chức đáp ứng đầy đủ cả về năng lực và phẩm chất, cống hiến hết mình cho nền công vụ là điều tất yếu trước tình hình đổi mới đất nước để xây dựng nền hành chính trong sạch, vững mạnh, thống nhất và hiệu quả. Trong đó, công tác tuyển dụng và sử dụng công chức là hai khâu trọng yếu, quyết định trực tiếp đến chất lượng và hiệu quả hoạt động của đội ngũ công chức. Nghị quyết số 03-NQ/TW ngày 18/6/1997 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã khẳng định: “Xây dựng đội ngũ cán bộ phải xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội. Công tác cán bộ được đổi mới có vai trò quyết định thực hiện thắng lợi mục tiêu đó” [2]. Sau hơn 20 năm thực hiện, đội ngũ cán bộ các cấp đã có bước trưởng thành, lớn mạnh về nhiều mặt, chất lượng ngày càng được nâng lên. Đội ngũ cán bộ có lập trường tư tưởng, bản lĩnh chính trị vững vàng, trình độ chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng được đòi hỏi công việc, luôn tu dưỡng, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao, cống hiến cho sự nghiệp vĩ đại của dân tộc. Công tác cán bộ được triển khai đồng bộ, toàn diện ở các khâu, trong đó có nhiều khâu tạo được sự chuyển biến tích cực như công tác: quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bổ nhiệm và thực hiện chính sách cán bộ. Nội dung, phương pháp, cách thức triển khai chặt chẽ, đúng nguyên tắc, quy trình. Việc phân cấp quản lý cán bộ được thực hiện hợp lý hơn nhằm tăng cường phân cấp cho cấp dưới. Công tác kiểm tra, giám sát công tác cán bộ được tăng cường; công tác bảo vệ chính trị nội bộ tiếp tục được quan tâm… qua đó từng bước góp phần đổi mới công tác cán bộ. Việc đề bạt, bổ nhiệm, bố trí cán bộ bảo đảm chặt chẽ, đúng về thủ tục, đủ về tiêu chuẩn, điều kiện, phù hợp với năng lực, sở trường và triển vọng phát triển. Không có tình trạng cục bộ, khép kín, lợi ích nhóm; lợi dụng để bố trí người nhà, người thân, người quen vào các chức vụ lãnh đạo, quản lý dù không đủ điều kiện, tiêu chuẩn. Các quy trình công tác cán bộ ngày càng chặt chẽ, đồng bộ, công khai, minh bạch, khoa học và dân chủ hơn. Công tác kiểm tra, giám sát được thực hiện đồng bộ, có hiệu quả hơn. Việc xử lý kịp thời, nghiêm minh các cá nhân, tổ chức vi phạm đã góp phần cảnh tỉnh, răn đe, phòng ngừa tiêu cực trong công tác cán bộ đồng thời củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đáng ghi nhận ấy, công tác cán bộ nói chung và công tác tuyển dụng, sử dụng công chức nói riêng vẫn còn tồn tại những bất cập và hạn chế gây xôn xao dư luận. Những sai phạm điển hình trong thời gian qua có thể kể đến: việc thực hiện không đúng quy định của Đảng và Nhà nước trong tiếp nhận, bổ nhiệm công chức; có biểu hiện vụ lợi trong việc tuyển dụng, sử dụng công chức là người thân của lãnh đạo; bổ nhiệm sai quy trình, sử dụng công chức khi chưa đủ các tiêu chuẩn: thời gian công tác ở lĩnh vực mình phụ trách về chuyên môn nghiệp vụ ít nhất từ ba năm trở lên, có trình độ Trung cấp lý luận chính trị trở lên, đã qua lớp bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý nhà nước; cơ quan có số lượng cấp phó suýt soát tổng biên chế hay các sai phạm trong đánh giá chất lượng thí sinh ứng tuyển công chức: chấm giảm điểm để đánh trượt thí sinh, chấm khống hoặc nhắc bài, làm lộ đề… Nhiều sai phạm đã và đang diễn ra ở nền công vụ nước nhà, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đội ngũ công chức, lãng phí nguồn nhân lực, công tác cán bộ tồn tại hành vi tham nhũng, tiêu cực, thiếu hiệu quả, kém chuyên nghiệp. Điều này đã gióng lên hồi chuông báo động về việc thiếu cơ chế kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, đặc biệt là ở khâu tuyển dụng, sử dụng. Tại Hội nghị phòng chống tham nhũng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ quyền lực luôn có nguy cơ bị tha hóa cho nên phải thiết lập một cơ chế kiểm soát việc thực thi quyền lực, quyền lực phải ràng buộc với trách nhiệm, “bất cứ ai cũng không có quyền lực tuyệt đối ngoài pháp luật”. Nghị quyết 26-NQ/TW của Hội nghị lần thứ bảy, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII cũng đề ra nhiệm vụ tăng cường kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong công tác cán bộ; chống chạy chức chạy quyền. Từ đó cho thấy, đẩy mạnh công tác thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về tuyển dụng, sử dụng công chức là yêu cầu cấp thiết trong tình hình mới, đặc biệt là việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác này nhằm phát hiện những sơ hở, hạn chế để có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục kịp thời. Nước ta đã có hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết và hướng dẫn các nội dung thanh tra liên quan đến tuyển dụng và sử dụng công chức. Hệ thống này cơ bản đã được hoàn thiện, đổi mới tạo cơ sở pháp lý cho công tác thanh tra được thực hiện trơn tru, hiệu quả. Trải qua hơn 40 năm xây dựng và trưởng thành, Thanh tra Bộ Nội vụ đã có những đóng góp quan trọng cho sự nghiệp tổ chức nhà nước và sự lớn mạnh không ngừng của hệ thống thanh tra nhà nước. Mỗi năm thực hiện nhiều cuộc thanh tra ở lĩnh vực quản lý, đặc biệt là lĩnh vực tuyển dụng, sử dụng công chức, thực hiện giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân. Qua các cuộc thanh tra đã phát hiện, ngăn chặn, xử lý, kiến nghị xử lý sai phạm, đề xuất nhiều biện pháp chấn chỉnh; đồng thời kiến nghị với cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, pháp luật nhằm khắc phục thiếu sót, sơ hở trong công tác quản lý góp phần nâng cao hiệu quả công tác tổ chức nhà nước. Quá trình hoạt động thanh tra thực tế của Thanh tra Bộ Nội vụ cho thấy những thiếu hụt nhất định như: hệ thống pháp luật thanh tra thiếu chặt chẽ, cụ thể; công tác thanh tra còn bị động, không có nhiều chủ thể tham gia, chuyên trách, năng lực thanh tra chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn; kết luận thanh tra chưa được thực hiện nghiêm túc, biện pháp thiếu cứng rắn và chế tài chưa đủ sức răn đe. Từ tình hình pháp luật và thực tiễn đòi hỏi bức thiết là cần phải có những nghiên cứu về đổi mới tổ chức và hoạt động thanh tra nói chung và thanh tra trong tuyển dụng, sử dụng công chức nói riêng, góp phần nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả thanh tra tuyển dụng, sử dụng công chức. Với những lý do trên, em lựa chọn đề tài: “Thanh tra tuyển dụng, sử dụng công chức - từ thực tiễn thanh tra của Bộ Nội vụ” làm đề tài nghiên cứu của mình. 2. Tình hình nghiên cứu Đã có nhiều công trình nghiên cứu khoa học đề cập đến tổ chức và hoạt động của thanh tra nhà nước ở nhiều khía cạnh và mức độ khác nhau. Có thể kể đến một số công trình nghiên cứu khoa học, bài viết nghiên cứu pháp luật về thanh tra, thanh tra chuyên ngành như: - Luận án Tiến sỹ Quản lý công: “Thẩm quyền thanh tra trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước”, Phạm Huỳnh Công, Hà Nội – 2018. Luận án làm bật lên thẩm quyền thanh tra trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước ở Việt Nam hiện nay trên nhiều khía cạnh: luận giải các lý thuyết, nghiên cứu thực trạng các quy định của pháp luật, chỉ ra mặt mạnh và hạn chế. Từ đó đề xuất các giải pháp, khuyến nghị khoa học nhằm hoàn thiện pháp luật về thẩm quyền thanh tra; các giải pháp đổi mới phương thức tổ chứ, cách thức hoạt động thanh tra, nâng cao hiệu quả thực hiện thẩm quyền thanh tra trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước ở nước ta; - Luận văn Thạc sĩ Luật: “Tổ chức và hoạt động của cơ quan thanh tra huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa”, Trịnh Công Sơn, Hà Nội – 2017. Luận văn tập trung làm sáng tỏ những lý luận cơ bản và thực tiễn về tổ chức và hoạt động của Thanh tra cấp huyện, đánh giá những ưu, nhược điểm và đề xuất các định hướng, giải pháp nâng cao hiệu quả trong công tác tổ chức và hoạt động của thanh tra huyện với vai trò là cơ quan tham mưu, giúp việc cho UBND huyện trong công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng trong thời gian tới; - Luận văn Thạc sĩ Luật: “Pháp luật về thanh tra chuyên ngành y tế từ thực tiễn tỉnh Hà Nam”, Nguyễn Tuấn Linh, Hà Nội – 2016. Luận văn đã chỉ ra những cơ sở lý thuyết về thanh tra và thanh tra chuyên ngành, làm rõ khái niệm, đặc điểm, nội, dung và vai trò của pháp luật thanh tra chuyên ngành y tế. Trên cơ sở đó, đánh giá các quy định của pháp luật về thanh tra chuyên ngành y tế và thực tiễn thực hiện pháp luật thanh tra chuyên ngành y tế trên địa bàn, từ đó đề xuất những giải pháp hoàn thiện và bảo đảm thực hiện pháp luật về thanh tra chuyên ngành y tế tại các địa phương trên cả nước; - Luận văn Thạc sỹ Luật: “Thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực Nội vụ ở tỉnh Nam Định”, Nguyễn Thanh Thủy, Hà Nội – 2016. Từ cơ sở lý luận và thực trạng công tác thanh tra chuyên ngành Nội vụ trên địa bàn tác giả đề xuất những giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thanh tra chuyên ngành Nội vụ tại tỉnh Nam Định; - Luận văn Thạc sĩ Luật: “Tổ chức và hoạt động của Thanh tra lao động, thương binh và xã hội – Thực trạng và giải pháp”, Nguyễn Thị Hồng Diệp, Hà Nội - 2009. Luận văn đã làm rõ khái niệm, đặc điểm về thanh tra và thực trạng tổ chức, hoạt động của Thanh tra lao động, thương binh và xã hội; Trên cơ sở tham khảo mô hình tổ chức và hoạt động của các bộ, ngành trong nước cũng như ở nước ngoài, chỉ ra những mô hình hiệu quả, tính khả thi và các điều kiện, giải pháp để thực hiện mô hình đó nhằm đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước trong lĩnh thương binh và xã hội; - Luận văn Thạc sĩ Luật: “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn trong tổ chức và hoạt động của thanh tra ở Việt Nam”, Lê Thị Thu Oanh, Hà Nội – 2004; Tạp chí: “Thực hiện kết luận, kiến nghị sau thanh tra – thực trạng và giải pháp”, Nguyễn Thị Hồng Thúy, Tạp chí Thanh tra số 25/06/2015. Các công trình, luận văn trên đã tập trung nghiên cứu, làm sáng tỏ cơ sở lý luận và thực tiễn, đồng thời đưa ra những giải pháp tăng cường tính hiệu lực, hiệu quả trong công tác thanh tra, thanh tra chuyên ngành cũng như phương thức tổ chức và cách thức hoạt động của cơ quan Thanh tra. Tuy nhiên, đến nay chưa có công trình nghiên cứu nào về thanh tra việc tuyển dụng, sử dụng công chức, sự tương quan giữa pháp luật về thanh tra và pháp luật về cán bộ, công chức từ phương diện luật hành chính, hiến pháp 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu đề tài luận văn 3.1. Đối tượng nghiên cứu Đối tượng nghiên cứu của luận văn là những vấn đề lý luận chung và thực tiễn của hoạt động thanh tra việc tuyển dụng, sử dụng công chức đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nội vụ. 3.2. Phạm vi nghiên cứu Dưới góc độ Luật Hiến pháp và Luật Hành chính, luận văn tập trung nghiên cứu hoạt động thanh tra việc tuyển dụng, sử dụng công chức, tập trung trong phạm vi của các Bộ, cơ quan ngang bộ, và các tổ chức hành chính trực thuộc tại Trung ương; các Ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh và các tổ chức hành chính trực thuộc tại địa phương trong thời gian từ 2015 đến nay. 4. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu đề tài Mục đích nghiên cứu của đề tài luận văn nhằm làm rõ những vấn đề lý luận chung về thanh tra việc tuyển dụng, sử dụng công chức. Trên cơ sở thực tiễn tìm ra các giải pháp có tính khả thi để đảm bảo hoạt động thanh tra việc tuyển dụng, sử dụng công chức có hiệu quả, góp phần xây dựng nền hành chính trong sạch, vững mạnh và hiện đại. Để đạt được các mục đích trên, đề tài luận văn có nhiệm vụ làm rõ những vấn đề cơ bản sau: - Hệ thống hóa cơ sở lý luận về thanh tra việc tuyển dụng, sử dụng công chức. - Phân tích và đánh giá thực trạng thanh tra việc tuyển dụng, sử dụng công chức. - Đề xuất quan điểm và giải pháp đảm bảo công tác thanh tra việc tuyển dụng, sử dụng công chức. 5. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu đề tài luận văn Đề tài được nghiên cứu trên cơ sở phương pháp luận của Chủ nghĩa MácLênin về duy vật biện chứng và duy vật lịch sử, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối chính sách của Đảng Cộng sản Việt Nam về tuyển dụng, sử dụng công chức. Đồng thời, luận văn được nghiên cứu trên cơ sở sử dụng kết hợp một số phương pháp nghiên cứu cụ thể như: phân tích, tổng hợp; thống kê; điều tra xã hội học… 6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận văn Về mặt lý luận: Góp phần làm rõ và sâu sắc hơn các yếu tố làm ảnh hưởng tới hiệu quả tổ chức và hoạt động thanh tra việc tuyển dụng, sử dụng công chức. Về mặt thực tiễn, luận văn cung cấp tài liệu tham khảo cho các cơ quan trực tiếp thực hiện chức năng thanh tra tuyển dụng, sử dụng công chức ở địa phương có thể nâng cao hiệu quả hoạt động của mình. 7. Kết cấu của luận văn Ngoài phần mở đầu, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, nội dung của luận văn có 3 chương. Chương 1: Những vấn đề lý luận về thanh tra tuyển dụng, sử dụng công chức Chương 2: Thực trạng thanh tra tuyển dụng, sử dụng công chức của thanh tra Bộ Nội vụ Chương 3: Quan điểm và giải pháp bảo đảm hoạt động công tác thanh tra tuyển dụng, sử dụng công chức .
Xem thêm Rút gọn
Bạn đang xem trước 15 trang tài liệu, để xem tài liệu hoàn chỉnh vui lòng click vào nút Download ở dưới.
Số trang: 98 | Định dạng: docx | Người đăng: Dương Nguyễn | Ngày: 02/07/2023
Tên tài liệu | Định dạng | |
---|---|---|
Luận văn Thanh tra tuyển dụng, sử dụng công chức - từ thực tiễn thanh tra của Bộ Nội vụ | ||
Sau khi tải tài liệu, Quý khách có thể chuyển đổi file tài liệu từ PDF sang WORD miễn phí tại đây | ||
Từ khóa: |